NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ HIỆU QUẢ NHẤT
Nói về hành trình 2 lần nuôi con bằng sữa mẹ, chị Thùy Dương (hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Phải khẳng định rằng hút sữa, nuôi con bằng sữa mẹ là việc làm vất vả và người mẹ phải hy sinh rất nhiều thời gian cũng như công sức. Mẹ có thể đang phải thay công việc 8 giờ một ngày nơi công sở bằng việc hút sữa (chỉ riêng việc hút sữa chứ chưa nói đến việc chăm con)."
Ngoài ra, trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ có thể phải đối mặt với rất nhiều "tác dụng phụ" như đau tức ngực, tắc tia sữa, thiếu sữa... Tuy nhiên với sự kiên trì và những kiến thức đã học hỏi được nên chị Thùy Dương đã hoàn thành 2 lần nuôi con bằng sữa mẹ với thành công mỹ mãn.
Dù vậy, bà mẹ trẻ cũng khuyên các chị em: "Sữa mẹ là tốt nhất, nhưng không phải là thứ duy nhất giúp bé sống và phát triển bình thường. Vì vậy nếu mẹ không/chưa đủ sữa hoặc không có điều kiện về thời gian, sức khoẻ, người phụ giúp thì... con bú sữa công thức cũng không thành vấn đề. Con vẫn phát triển, mẹ khoẻ có thời gian chăm sóc con. Cái này tốt hơn nhiều mẹ stress vì sữa mà không nghỉ ngơi đủ, không dành đủ thời gian với con."
Cùng tham khảo những kinh nghiệm quý báu của mẹ Thùy Dương quanh vấn đề được rất nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm là cách hút sữa, chữa tắc tia sữa và cai sữa... dưới đây:
Kinh nghiệm hút sữa
Đợt này vô tình có nhiều bạn bè sinh con cùng lúc, mọi người cũng hay hỏi thăm về vụ sữa nên mình tóm tắt một số chia sẻ về việc hút sữa, coi như cũng là "note" lại cho riêng mình về một quá trình hì hụi làm bò sữa cho 2 bạn Meo Vịt.
1. Quan điểm về sữa mẹ
Trước tiên phải nói rất rõ: sữa mẹ là tốt nhất, nhưng không phải là thứ duy nhất giúp bé sống và phát triển bình thường.
Nếu mẹ không/chưa đủ sữa hoặc không có điều kiện về thời gian, sức khoẻ, người phụ giúp thì... con bú sữa công thức. Con vẫn phát triển, mẹ khoẻ có thời gian chăm sóc con. Cái này tốt hơn nhiều mẹ stress vì sữa mà không nghỉ ngơi đủ, không dành đủ thời gian với con.
2. Mẹ ăn gì để có sữa?
Mẹ ăn tất cả những gì có thể ăn, không gây dị ứng hay đau bụng cho mẹ.
Ngay trong bệnh viện, mẹ vừa sinh con xong thì bữa ăn đã có thịt, cá, đậu phụ, đủ loại rau và trái cây. Muốn kỹ thì trứng, hải sản (tôm, cua, ghẹ) có thể để từ từ ra tháng ăn nếu mẹ thèm.
Mẹ chú ý ăn nhiều rau và trái cây để sữa "mát", em bé dễ đi tiêu, đi tiểu. Trong bữa cơm bệnh viện, cái tô to nhất là tô canh, to gấp đôi tô cơm và đồ ăn luôn. Mẹ cứ thế mà ăn, ra khỏi bệnh viện về nhà cũng cứ thế mà làm.
Một lưu ý với các mẹ, chuyện mà bác sĩ nói, truyền thông đưa tin ầm lên mà vẫn có người không chịu nghe đó là: móng giò hay thứ nào nhiều chất béo không có tác dụng làm nhiều sữa mà còn dễ gây tắc sữa (do có nhiều chất béo). Nếu có ăn móng giò thì phải uống nhiều nước hơn để bù lại.
Khi ăn những thứ có thể gây lạnh bụng, mẹ ăn rồi theo dõi bản thân có bị đau bụng không hoặc theo dõi cữ sữa tiếp theo con ăn như thế nào. Nếu không có vấn đề gì thì là không sao, nếu mẹ đau bụng có thể kiểm tra với bác sĩ có nên cho con uống sữa đó không? Thường thì kể cả khi mẹ tiêu chảy đau bụng, con vẫn có thể uống sữa mẹ. Nhà mình thì do sữa mẹ dư nên mẹ không cho uống mà dùng làm việc khác (như massage làm đẹp chẳng hạn).
3. Mẹ uống bao nhiêu nước là vừa?
Trung bình ít nhất 2.5 lít - 3 lít
Nước có thể là nước lọc, nước ép trái cây, nước canh, sữa, sữa chua. Có ngày mình lười uống nước lọc nên uống 1 buổi sáng 3-4 hộp sữa, trưa bị tắc sữa do sữa mẹ quá đặc (giống ăn móng giò không uống đủ nước). Báo hại ngày hôm đó ôm 1 bình 3 lít nước lọc uống bằng hết.
Các mẹ cũng đừng lo làm sao mà uống hết được từng đó nước. Khi mà 1 ngày mẹ hút hơn 1 lít - 1.5 lít sữa thì người lúc nào cũng giống như con cá khô vậy đó. Tự khắc có nhu cầu uống bổ sung.
4. Mẹ nghỉ ngơi thế nào là đủ?
Thực tế phũ phàng là khi có con chả có nghỉ ngơi bao nhiêu là đủ cả (tại nhiều lúc không có tí thời gian nào để nghỉ luôn.
Mẹ nghỉ ngơi và ngủ nhiều nhất có thể trong điều kiện cho phép. Sau 2 lần sinh con, mình hoàn toàn hiểu tâm lý của mẹ lần đầu có con là cái gì cũng muốn tốt nhất cho con, không phải là mình mà là ai làm (cho dù là bác sĩ) thì cũng đều khồn yên tâm, dù con có được 2-3 người xúm lại trông thì con vừa hơi cựa mình là mắt mẹ mở thao láo liền. Nhưng dù vậy thì mẹ cũng ráng suy nghĩ là trong 1-2 tháng đầu mới sinh, mẹ cần được chăm sóc và nghỉ ngơi không thua gì con. Đặc biệt với mẹ nào định nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì việc của mẹ là ăn, ngủ, lấy sữa cho con, và ăn, ngủ...
Hút sữa là 1 công việc vất vả - thực sự là vậy. Các mẹ đang thay công việc 1 ngày 8 giờ nơi công sở thành 1 ngày 8 giờ dành cho việc hút sữa (chỉ hút sữa thôi, chưa tính chăm con nhé). Chính vì lí do này mà ngay từ đầu mình đã nói, nếu mẹ không có đủ thời gian, chưa sắp xếp được đủ người phụ giúp thì không nên khiên cưỡng về việc hút sữa cho con. Con hoàn toàn có thể ti mẹ trực tiếp, thiếu bao nhiêu bú bình sau đó 2 mẹ con đi ngủ. Tốt hơn nhiều việc mẹ cho con bú trực tiếp, con ngủ thì ngồi hì hụi hút sữa; vừa xong thì con dậy đòi ăn tiếp - cả 1 ngày như thế thì không có mẹ nào mà chịu được.
5. Làm thế nào để có sữa?
Mẹ tin là mình có sữa cho con và sắp xếp các bước thực hiện.
Cơ thể là 1 bộ máy kỳ diệu. Ngay từ khi con chỉ có 5-6 tháng trong bụng, mẹ đã bắt đầu có biểu hiện có sữa rồi. Cơ thể mẹ sẽ tạo ra sữa cho con - tự nhiên tiến hóa bao nhiêu năm quy định thế. Nên các mẹ yên tâm, mẹ nào cũng có sữa. Nhưng việc nuôi con được bằng sữa mẹ không thì còn tùy vào nhiều yếu tố.
Để đảm bảo có sữa cho con, nếu mẹ đã ăn đúng, uống đủ, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi thoải mái (có điều kiện để thực hiện hết các điều trên) thì mẹ phải tin là mẹ có sữa cho con. Sau khi mẹ tin thì mẹ có thể lên các bước thực hiện để lấy sữa cho con bú. Các bước thực hiện này tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, sức khỏe và thời khóa biểu của mẹ. Dưới đây là các bước mình thực hiện, phù hợp với điều kiện cá nhân của mình, đưa ra chỉ mang tính tham khảo:
- Máy móc hỗ trợ
Hiện có rất nhiều loại máy hút sữa trên thị trường để hỗ trợ mẹ. Các mẹ nên tìm hiểu về chức năng và giá cả để khi cần thì có thể mua ngay máy phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Mẹ Meo thì dùng máy hút 2 bên cùng lúc. Mẹ dùng cho cả 2 lần sinh anh Meo và em Vịt đều rất ổn, máy sau 4 năm vẫn chạy ro ro. Do có chế độ massage nên khi mẹ có dấu hiệu bị tắc sữa thì đổi qua chế độ massage có thể hỗ trợ giảm tắc sữa nhiều. Máy hút êm, khi chạy chế độ hút thì giống với em bé ti mẹ trực tiếp nên hạn chế gây tình trạng nứt nẻ chảy máu.
- Lịch hút sữa
Đây là phần quan trọng nhất với việc hút sữa cho con. Hút sữa thực sự đòi hỏi sự nghiêm túc làm theo một thời khóa biểu chặt chẽ từ mẹ. Cho dù trời sáng sớm, đêm khuya, khi mẹ mệt mỏi, khi con đang khóc quấy - mẹ đều phải làm theo lịch đã đưa ra. (nhắc lại đây cũng là lí do nếu mẹ không đủ sức khỏe và có người giúp thì rất khó duy trì nguồn sữa ổn định cho con).
Hồi sinh Meo, mẹ cũng chăm chỉ 3 giờ hút 1 lần cho con có sữa bú. Meo là đứa quấy nên kể cả khi có người phụ, mẹ cứ 3 giờ lại ngồi hút, hút 1 giờ xong ra chơi với con, quay đi quay lại là đến giờ hút sữa nữa nên có rất ít thời gian nghỉ ngơi. Lần này sinh em Vịt, đầu óc có sáng sủa biết suy nghĩ rút kinh nghiệm 1 chút nên phát hiện ra: Việc mẹ hút sữa là (và nên là) 1 việc độc lập với việc con bú sữa. Mẹ có thể xếp 1 lịch rất riêng dành riêng cho việc hút sữa của mình mà không cần trùng/trước với giờ con bú sữa. Việc này giúp mẹ loại trừ yếu tố sức ép tâm lý về việc có đủ sữa cho con bú cữ tiếp theo không, mẹ cũng không lo lắng nếu bị tắc sữa không hút kịp trước giờ con bú.
Sau 1 vài lần thử nghiệm với Vịt thì mẹ chỉ hút đúng 3 cữ 1 ngày: sáng 7-8h; trưa 1-2h và tối 10h-11h. Chỉ hút sau khi đã ăn ít nhất 45 phút đến 1 giờ. Với cữ hút đêm, các mẹ chuẩn bị sẵn sữa hoặc đồ ăn thêm để bổ sung năng lượng lại.
- Hút bao nhiêu sữa một lần là đủ?
Câu thường nghe: "sữa mẹ nhiều ít là do cơ địa từng người". Với 2 lần làm bò sữa, mẹ Meo xin phép nói lại: sữa mẹ nhiều hay ít tùy vào mẹ đặt điều kiện cho cơ thể mẹ tạo ra bao nhiêu sữa. Cơ địa mỗi người chỉ ảnh hưởng đến quá trình đặt điều kiện dễ hay khó, nhanh hay chậm mà thôi.
Trong 1-2 tuần đầu khi cơ thể mẹ mới sinh còn yếu, thiếu máu và mẹ còn chưa ngồi lâu được thì mẹ chỉ nên hút tầm 30-60ml mỗi bên (thời gian hút có thể từ 15-30phút/lần, có khi lên đến 45-60 phút nếu cần kích sữa). Đến khi mẹ khỏe hơn, có thời gian để sắp xếp hơn thì mẹ có thể hút nhiều hơn. Với 3 lần hút/ngày thì mẹ Meo hút tăng dần từ 80ml - 100ml - 120ml - 150ml - 180ml - 200ml / bên / lần. Có thời gian hút hơi quá thì tổng cộng 1 lần hút khoảng 500ml.
Mẹ hút trong bao lâu để được vậy? Câu hỏi phải quay ngược lại là mẹ cần bao nhiêu sữa trong 1 ngày --> 1 ngày hút bao nhiêu lần --> Mẹ cần hút bao nhiêu sữa trong 1 lần?
Mẹ Meo đã từng ngồi 1 giờ 30-2giờ để hút bằng được lượng sữa mình cần. 1 ngày lặp lại 3 lần --> vị chi tổng cộng gần 6h/ngày chỉ cho việc hút sữa. Nhưng điểm tốt là sau 1 vài lần thì cơ thể sẽ hiểu là mẹ cần từng đó sữa vào giờ đó, từng đó lần trong 1 ngày và sữa sẽ về. Trung bình mất khoảng 2-5 ngày để cơ thể hiểu; sau đó thì thời gian hút sẽ nhanh hơn nhiều để đạt được lượng sữa cần có.
- Làm thế nào khi tắc sữa?
Câu trả lời là massage, chườm nóng. Kể cả khi mẹ đã tuân thủ lịch hút sữa nghiêm ngặt mẹ vẫn có khả năng bị căng sữa, tắc sữa. Lúc này mẹ cần massage theo vòng tròn, vuốt xuống để cho ngực mềm. Mẹ có thể chườm nóng; hoặc nếu mẹ đã có thể tắm bình thường thì tắm vòi hoa sen nước hơi nóng chút là 1 cách vô cùng hữu hiệu (vừa chườm nóng + massage). Và 1 máy hút sữa tốt có chế độ massage sẽ giúp rất nhiều: mẹ dùng chế độ massage - hút - massage - hút luân phiên.
Làm trong bao lâu thì hết tắc sữa? Câu trả lời là làm đến khi nào hết tắc sữa thì thôi. Mẹ Meo đã có hôm ngồi từ 11h đêm đến 2h sáng chỉ để trị tắc sữa và kích sữa trở lại.
Làm bao nhiêu lần thì hết tắc sữa? Cho dù mẹ có làm hết cách thì không phải lúc nào việc ngồi 2-3 giờ cũng giải quyết triệt để việc tắc sữa. Có thể mẹ sẽ phải dành 3-4 lần hút để trị tắc sữa (rút hết sữa còn đọng trong ngực gây tắc) + 2-3 lần để kích sữa trở về đúng chế độ mẹ cần.
6. Làm thế nào để dừng sữa?
Mẹ dừng khi mẹ muốn dừng. Tin tốt là việc dừng sữa dễ dàng hơn nhiều việc có sữa cho con. Mẹ nào đi làm là tự động sữa sẽ ít dần và mất hẳn.
Nhưng trong trường hợp mẹ muốn chủ động dừng sữa thì mẹ có thể đặt điều kiện cho cơ thể dừng làm sữa. Mẹ có thể kéo dài thời gian nghỉ không hút sữa; giảm lượng hút sữa mỗi lần từ từ - cơ thể sẽ tự hiểu là mẹ không cần nhiều sữa nữa mà sẽ từ từ giảm sữa lại. Cơ thể rất kì diệu đúng không?
Kinh nghiệm của mẹ Meo là ngay khi mẹ nói mẹ muốn dừng, hàng ngày mẹ tập trung vào việc khác, tự nhủ con đã lớn không cần sữa mẹ nữa là lượng sữa giảm đi rất nhiều. Mẹ hút 1 ngày 2 cữ, 1 ngày 1 cữ rồi trốn luôn không hút khi có thể. Chỉ trong 1 tuần là mẹ tự động hết sữa - nhanh hơn rất nhiều so với thời gian cần để kích sữa.
Trên đây là một vài điều mình ghi lại về khoảng thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu ai thấy có điều gì có thể áp dụng thì cứ tham khảo cho vui. Câu chốt lại là mẹ hoàn toàn có thể nuôi con bằng sữa mẹ nếu mẹ muốn, mẹ tin và mẹ có kế hoạch thời khóa biểu chi tiết cho mọi việc trong đó có cả việc hút sữa.
Có 1 điều quan trọng được rút ra từ kinh nghiệm 2 lần nuôi con mình muốn chia sẻ với các mẹ và cũng là điều ngày ngày tự nhắc nhở bản thân: Nuôi con là cả 1 quá trình dài, mẹ cố gắng đừng cầu toàn vào 1 việc nào đó; mà đơn giản là sắp xếp mọi việc thế nào hợp lý nhất để mẹ khỏe, có tâm lý thoải mái, có thời gian cho riêng mình để suy nghĩ và đầu tư làm những gì cần thiết cho con.
(Ghi lại vào ngày con gái tròn 5 tháng tuổi và công cuộc làm bò sữa cho 2 bạn kết thúc mỹ mã